Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Mới nhất

Thay đất, cắt rễ cho một cây từ chậu lớn sang chậu nhỏ!

Tác giả Tuấn Hoàng

26/12/2011

Không biết bắt đầu từ đâu đây! Thôi để nói về các điều cần thiết khi thay đất cho cây trong chậu trước, sau đó sẽ nói riêng cho cây từ chậu lớn sang chậu nhỏ. Trước tiên, sẽ xử dụng những câu trả lời của Trung để bàn cho ACE dễ dàng nắm bắt nha! Có thể nó sẽ hơi lung tung, không trật tự, nhưng làm vậy cho đỡ tốn thì giờ của tôi! Dù sao, sẽ cố gắng hết mức!

0

Em lấy dao chọt chọt xung quanh thành chậu và trút ngược đổ nó ra khỏi chậu và cào đất hết !
Tại sao lại lấy dao chọt chọt? Ở đây tôi bàn chút về từ ngữ (hihi, không dám múa rìu qua mắt thợ!). Khi Trung viết là “nhổ cây” tôi hình dung là bạn nắm cây và sau đó giựt nó ra khỏi chậu! “chọt chọt” theo tôi hiểu là: dùng vật gì đó, chọt (thọc) chỗ này, chỗ nọ, và động tác này không tạo thành một dãy liên tục (tức là có những chỗ sẽ không bị chọt). Nếu dùng dao, và chọt chọt xung quanh thành chậu như vậy, chắc chắn là sẽ không thể nào tách được bầu đất, hoặc là rễ (nếu cây đã nằm trong chậu lâu rồi-gọi là root bound tiếng Mỹ) ra khỏi thành chậu —–> sẽ khó khăn khi lấy cây ra khỏi chậu cũ. Tôi dùng một lưỡi liềm (giống như lưỡi liềm để cắt cỏ vậy -ai ở miệt vườn, chắc chắn phải biết dụng cụ này) lách vào phía trong của thành chậu, sau đó kéo lưỡi liềm đi dọc theo thành chậu xung quanh bầu đất, bắt đầu từ điểm A —> điểm A. (lưỡi liềm rất mỏng, do vậy sẽ làm giảm khả năng tổn thương đến rễ cây- nói đến đây, nghe thấy nghịch lý vì sau khi đưa cây ra khỏi chậu cũ, mình cũng có thể phải cắt tỉa rễ mà! Hmm, nhưng chưa chắc là mọi lần thay đất cho cây, là phải cắt rễ: tùy theo tình trạng của rễ !! Đây là một điểm chốt mà nếu không để ý, cây nào cũng cắt rễ hết, thì tỉ lệ thất bại của thay chậu sẽ cao đấy – Tùy loại cây, tùy sức khỏe cây, tùy mùa thay đất, mà lựa chọn cách tác động đến rễ khác nhau ).
Sau khi lách lưỡi liềm như trên, lúc này có thể đem cây ra khỏi chậu dễ dàng (à, phải nhớ cắt dây kim loại cố định cho cây tại các lỗ thoát nước ở đáy chậu thì mới đưa cây ra khỏi chậu được nha ). Với cây nhỏ, có thể nắm ngang thân và kéo nó ra khỏi chậu (chứ không phải nhổ nha Trung). Cây lớn, nặng, thì có thể để chậu lên trên bàn, dùng tay kheo khéo, để nghiêng chậu, và úp ngược như Trung nói, nhưng phải dùng tay đỡ cẩn thận (nắm ngay thân của cây, và từ từ cho nó ra nhờ sức nặng của cây. Thao tác này sao giống bs sản đỡ đẻ quá!!! Nếu làm như trên, mà cây vẫn không chịu ra, có thể dùng một cái búa gỗ hay búa nhựa, vỗ nhẹ nhẹ lên thành chậu —> làm lại thao tác như trên cho đến khi cây ra khỏi chậu! Nói đến đây, cho thấy là tiến trình lấy cây ra khỏi chậu cũ, nhất là những cây đã nằm trong chậu này lâu năm, không phải là dễ ăn đâu nha. Nếu không khéo, thì cây đi đàng cây, mà rễ đi đàng rễ, thì coi như toi!

Em làm trong tháng 10 tây vừa rồi , ngày thì không nhớ anh ! còn thời gian làm là buổi chiều tối
Ở ngoài sân nhà em anh ( nơi đó thì buổi trưa nắng lắm )!
Tháng 10 vừa rồi khá là nóng đó anh !

Thay đất cho cây bắt buộc phải làm vào ngày mà không có nắng nóng, gió mạnh. Phải làm ở nơi kín gió, mát!
Khi thay đất cho cây, bộ rễ không ít thì nhiều, sẽ bị phô bày ra không khí. Nếu không khí nóng hoặc gió mạnh —> rễ sẽ rất mau khô —> chết rễ. Cây vừa bị shock vì thay đổi môi trường, lại bị chết rễ, thì không cách gì mà hồi phục được (đang nói về cây lá kim, các cây khác cũng có thể bị như vậy, nhưng nếu chăm sóc sau khi thay đất đúng cách, thì cây có thể sống – giống như là một thao tác giâm cành lớn vậy mà!). Biết được điều này, cần phải thay đất cho cây ở nơi kín gió, và mát là vì vậy. Ngay cả khi thay đất ở nơi lý tưởng, tôi vẫn phải thường xuyên dùng bình xịt nước để xịt xung quanh bầu đất, hệ rễ, và ngay cả xịt lên hệ lá và thân cây (vì khi hệ lá bị ướt, nó sẽ làm giảm sự mất nước qua hệ lá), nhằm giữ nước trong cây một cách tối đa! Ngoài ra, thao tác khi thay đất phải dự tính trước, nhanh gọn, chính xác, gọi là “đánh nhanh, rút gọn”. Tức là phải chuẩn bị đồ nghề, chậu mới, chất trồng cho vào chậu mới, dây kim loại để giữ cho cây trong chậu, bình xịt nước sẵn sàng, sau đó mới bắt đầu tiến trình lấy cây ra khỏi chậu! Mục đích là làm giảm thiểu thời gian bộ rễ tiếp xúc với không khí càng ngắn càng tốt! Không thể nào vừa làm vừa hút thuốc lá uống bia hay trà!! Lúc này, không còn có cái thú ngắm cây uống trà nữa rồi! Nói tới đây, dùng thí dụ cho dễ hiểu hơn: thay đất cho cây giống như là bs mổ cho một bệnh nhân vậy. Nói thí dụ, khi đưa ruột (giống như rễ cây) ra khỏi ổ bụng bệnh nhân (tức là tiếp xúc với không khí), bs phải thao tác nhanh, gọn, chính xác sao cho giảm thời gian ruột tiếp xúc với không khí làm cho khô —> các hậu quả tai hại sau này! Lúc đó, người phụ mổ thỉnh thoảng cũng phải dùng khăn tẩm nước ấm phủ lên ruột, cũng với mục đích làm giảm mất nước, khô ruột!

Trùm để che nắng trực tiếp không đi thẳng vào cây đó anh !
Cái này phải coi lại. Tôi không bao giờ dùng lưới che như vậy cả. Lý do: nhiệt độ không khí quá nóng rồi, nếu che như vậy —> bầu vi khí quyển xung quanh cây sẽ quá nhỏ —-> không khí sẽ bị hâm nóng gấp nhiều lần so với khi lưới che để trên cao —-> cây chắc chắn sẽ bị mất nước trầm trọng. Có thể đây là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của cây này chăng?
Sau khi thay đất, tôi để cây vào nơi mát, kín gió, và không có mặt trời chiếu vào. Nơi mà tôi thích nhất là: hướng đông của vườn, để cây dưới một tán cây lớn trong vườn, nơi đây, tôi còn set up cho nó hệ thống tưới phun sương ngày 3 lần, nhằm làm giảm thiểu sự mất nước của cây tối đa (nên nhớ, sau khi thay đất, hệ rễ sẽ ngưng hoạt động một thời gian —> nếu cây tiếp tục mất nước nhiều qua hệ lá —-> cây sẽ chết khô!

Trước khi mang cây ra khỏi chậu cũ, cần phải chuẩn bị chất trồng, chậu mới trước tiên.
Nhớ dùng các lưới nhỏ để che lỗ thoát nước trong đáy chậu.
Nhớ dùng dây nhôm luồn qua lỗ thoát nước để giữ cho cây đứng vững (nếu cây không vững, sau này khi nó lung lay, hệ rễ non mới ra sẽ bị tổn thuơng —> chết cây
Đổ chất trồng vào chậu mới, tạo một vun chất trồng (tức là chính giữa cao hơn cả)
Sau đó, bắt đầu lấy cây ra khỏi chậu cũ như đã nói ở trên.
Tuỳ loại cây mà ta phải lấy hết đất cũ, hay chỉ một phần đất cũ. (ume khi thay đất, phải lấy hết đất cũ vì nó không thích đất cũ)
Cắt rễ hay không cắt rễ cũng tuỳ theo loại cây. Nói chung, lấy bỏ đi các rễ thúi, chết hay khi cây có quá nhiều rễ, cần phải cắt lọc bớt (giống như khi cành nhánh nhiều quá, thì cần phải cắt lọc). Khi lấy rễ bao nhiêu, thì cũng phải cắt bỏ cành nhánh bấy nhiêu (dĩ nhiên có những cành nhánh quan trọng, không thể nào cắt bỏ)
Cắt rễ có thể dùng dao sắc (cho những rễ nhỏ) hay dùng kềm cắt (cho những rễ tuơng đối lớn), hay dùng cưa (cho những rễ lớn quá, không thể dùng kềm được). Mặt cắt phải gọn sắc và hướng xuống dưới (để tránh thúi rễ sau này). Cắt rễ cũng giống như cắt cành hay nhánh, tức là cắt đến nơi mà có rễ khác chia ra.
Trong quá trình làm, phải chú ý dùng bình xịt nước xịt thường xuyên lên cây và rễ để làm giảm thiểu sự mất nước tối đa cho cây.
Nhắc lại, thao tác làm cây phải nhanh, gọn, chính xác! Không có thời gian thừa lúc này! Cây chết hay không là ở thời điểm này. Tức là: ta phải chạy đua với thời gian!!!
Sau khi hoàn tất, để cây lên trên vun chất trồng trong chậu mới —> dùng tay nắm vào thân cây gần gốc, và xoay nhè nhẹ, đồng thời ấn nó xuống —-> nhìn xem cây đã đúng vị trí mình muốn chưa. Nếu đúng rồi —> dùng dây nhôm đã luồn qua lỗ thoát của chậu để cột cố định cây lại.—–> đổ thêm chất trồng vào chậu. Dùng đũa tre để thọc thọc chất trồng cho nó xuống đều. Cầm đũa tre, thọc xuống, rồi ngoáy vòng vòng, trong khi tiếp tục đổ chất trồng vào cái hố mà tạo ra bởi cây đũa đang ngoáy! Cứ thế làm từ nơi này qua nơi khác khắp chậu cây. Phải thật chú ý vùng nằm dưới bộ rễ (vùng này thường bị bỏ sót, tức là không có chất trồng —> khoảng không tại đây —-> rễ không thể mọc vào vùng này.
Dùng ngón tay, dằn nhè nhẹ vào chất trồng sát với thành chậu. Có thể dùng nắm tay, vỗ nhè nhẹ quanh thành chậu, làm cho chất trồng có thể sắp xếp sát nhau, không còn khoảng trống lớn.
Dùng chổi nhỏ để quét đi các chất trồng còn dư trên mặt chậu.
Dùng bình tưới nước có gắn vòi hoa sen để tưới lên cây và chậu cho đến khi thấy nước thoát ra từ lỗ thoát ở đáy chậu trong (không còn vẫn đục nữa)
Để chậu vào nơi kín gió nhưng thoáng, mát, và không có nắng trời trực tiếp vào cây. Để cây nơi này khoảng 6 tuần! Hàng ngày phải nhìn xem chất trồng có khô không, nếu thấy có vẻ khô —> dùng bình nước có gắn vòi hoa sen để tưới. Tốt nhất là nơi để cây, cần set up hệ thống phun nước suơng mù, và có thể set cho nó phun ngày 2-3 lần, nhằm làm giảm thiểu sự mất nước qua hệ lá của cây.

ây giờ nói về cách cắt tỉa rễ cho một cây từ chậu lớn sang chậu nhỏ. Ở đây tôi muốn nói về cây mà đã được đào trong vườn hay núi và sau đó được trồng vào chậu to một thời gian trước khi được cho vào chậu bonsai nhỏ hơn. Cách cắt tỉa rễ sẽ khác với khi thay đất cho một cây mà không thay đổi kích thước chậu.

Khi cho cây từ chậu lớn sang chậu nhỏ, chắc chắn là phải cắt tỉa rễ khá nhiều, sao cho khi cho vào chậu nhỏ hơn, cây có thể nằm vừa vặn! Dù sao, tuỳ loại cây mà nó có thể dung nạp (tolerate) với việc cắt rễ tới cỡ nào: như cây bách (juniper) California, nó không chịu sự cắt rễ thô bạo, và thường là rễ của nó mềm và dài, cho nên thay vì cắt rễ, ta có thể chỉ cuộn, sắp xếp rễ vào chậu mới, với cắt tỉa chút ít. Đối với thông đen, ta có thể cắt tỉa mạnh tay hơn, nhưng chỉ có thể cắt bớt 1/3 số lượng rễ tính từ ngoài vào trong gốc, và 1/3 tính từ dưới đáy chậu cũ lên trên gốc. Nhớ: không bao giờ bare root cho thông đen (bare root tức là lấy hết đất của nó ra, chỉ chừa lại bộ rễ trơ trọi với không khí trời – và bare root cũng không được làm với các cây lá kim như bách (juniper), cypress,…. Như bạn Trung đã bare root cho cây thông 3 lá, là nhiều khả năng cây không sống được! Khi lấy đi đất cũ, chỉ nên lấy đi từng phần một! Tưởng tượng bầu đất như một miếng bánh tròn, và bánh này phải chia ra cho 6 người chẳng hạn —-> dùng dao cắt bánh làm 6 phần bằng nhau. Mỗi lần thay đất cho cây, chỉ thay 3 phần cách khoảng nhau (không phải 3 phần liên tục). Lần thay đất tới, sẽ làm 3 phần còn lại. Ngoài ra, đối với các cây mà lâu ngày không được thay đất, như cây bị chết của Protonwire chẳng hạn, lúc này cây gọi là root bound, tức là bộ rễ phát triển chằng chịt trong chậu rồi —-> khả năng thoát nước sẽ rất kém. Khi thay đất cắt rễ, nếu không biết cách làm đúng, sẽ mang hoạ vì khi nước tưới vào, nước có khuynh hướng kiếm nơi thoát nước dể mà thấm (tức là khoảng đất mới xung quanh bộ rễ đã bị cắt, trong khi không có nước thấm qua bộ rễ trung tâm (do rễ vẫn chằng chịt tại đây) —–> nếu không để ý điều này khi tưới nước —-> cây sẽ mất nước mà chết, mặc dù vẫn được tưới cây hàng ngày!!! Với những cây root bound như vậy, khi thay đất cắt rễ, phải làm cẩn thận, những rễ nào không cần thiết cần được xử lý thích đáng, ngoài ra cần tạo một hố trống ngay phía dưới gốc cây, tức là cần lấy đi các rễ nằm ngay dưới gốc cây —-> tạo một hốc ngay vùng này —-> khi đặt cây vào chậu mới ngay vùng chất trồng vun ụ lên, ụ này sẽ nằm chiếm ngay vào hốc của rễ đã tạo ra trước đó. Ngoài ra, cũng phải xử trí bầu đất chung quanh giống như đã nói ở trên (xử trí từng vùng một cách khoảng nhau, trong ít nhất là 2 lần thay đất).
Tôi nghĩ đến đây là tạm đủ. Hi vọng là ACE có thể nắm được các điểm chính yếu mà tôi đã nói.