Thứ Bảy , 27 Tháng Tư 2024
Mới nhất

Thảo luận Về Tùng – Bách – Thông

Tác giả hoilakim

slider-4

Nuavong Traidat

Xin cho hỏi : Juniper’s dịch ra tiếng Việt là Tùng có phải không ??? Còn Pine là Thông thì mình biết rồi . Cây California Juniper , nó là dạng Juniper’s.Tại sao mình không gọi tên nó là Tùng ??? Mà gọi tên nó là ” Bách “??? Mình không biết ,lẫn lộn với từ ngữ này ??? Xin Anh Em cho biết. Cám ơn.

Hội Lá Kim Vcbc

Ở Viet Nam đa số các cây có tại VN thì người ta quen gọi là Tùng , nhưng có môt số người thì Thông cũng kêu là Tùng , đó là điều nhầm lẫn dễ làm thông tin sai lệch cho người xem , còn tên Bách ở VN nói ra không có nhiều người biết nếu ít tiếp cận với bonsai nước ngoài. Theo em thì Tùng là cây juniper do thói quen người Việt hay áp gọi cho nó , Bách là những cây mà những người từng tiếp xúc bonsai nước ngoài khi thấy cây juniper thì sẽ gọi . Đó là nhận định của riêng em .

Td Karl

Em thấy tiếng Trung hay thơ cổ vẫn gọi Pine là Tùng. Phổ thông ở VN bây giờ mình gọi Pine là Thông, còn dòng Juniper gọi là Tùng. Nếu muốn kiểm tra kỹ và phân biệt thì nên tham khảo tài liệu của anh Nguyễn Đức Tố Lưu, vì nhiều hệ dữ liệu quốc tế đều dẫn xuất công trình nghiên cứu của bác ấy về dòng lá kim Việt nam

David Nguy

Theo su Hieu biet cua toi : Thong, Tung la mot tieng VIet Chung ta goi la thong , con Tung Tu tieng Han ma ra (Chung ta thuong nghe : hac Tung, Hong Tung, Bach Tung) tieng My goi la pine.
Bach la dong ho Juniper (Bach trac diep) cay California juniper Minh goi la Bach Cali.
Khong biet su hieu biet cua toi dung hay sai Mong Anh em hop y.

Uan Ha

Mời đọc bài viết này của một vì tiền bối cũng có thời mê Bách Cali.

“Chơi có bạn buôn có phường”, thường tình là thế. Chơi là đi tìm cái lý thú trong môn chơi để trao đổi chia sẻ với người khác, làm cho cuộc sống (tinh thần) thêm phong phú chứ chẳng hại ai, chẳng giàu có gì. Thế nhưng, thói thường người ta cứ hay nhìn sự việc xuyên qua lăng kính bên này bên kia, trong ngoài, nội ngoại ..vv làm cho cuộc chơi không còn thoải mái, không còn thấy được cái tâm tình của người đồng điệu, và đánh mất cái giá trị mà mọi người cùng tìm về …Sở dĩ tôi phải dẫn nhập vòng vo là muốn người trong cuộc (chơi) cũng như người ngoài có sự cảm thông những khó khăn khi chúng ta đến với nhau. Với suy nghĩ minh bạch như thế tôi không việc gì phải tránh né hay dấu diếm về mình khi trao đổi những vấn đề nghệ thuật với Tạp Chí Hoa Cảnh.

Hôm nay thời tiết đang chuyển vào Xuân, tôi xin giới thiệu với bạn trong làng Hoa Cảnh một loại Tùng đặc biệt ở Hoa Kỳ mà giới chơi cây ở đây rất hâm mộ, nhất là người Nhật: California Juniper (Tùng Cali).

Trước khi nói đến nguồn gốc, đời sống, và lối tạo Kiểng với loại Tùng này, tôi muốn chúng ta bàn qua tên gọi. Mới đây, tại Cali có một nhóm người chơi Bonsai lên tiếng phân tích về tên gọi Tùng và Bách. Sau khi đã chiết tự (từ chữ hán)…họ khẳng định tất cả những cây thuộc họ Juniper là Bách mà xưa nay người mình vì không hiểu cứ gọi là Tùng. Tôi thấy 2 người của nhóm này đã viết bài gọi Bách (thay vìTùng như thường gọi) và Tùng (tức là Thông) . Ông Thân Trọng Tuấn ( Vietnamese Bonsai Society) còn nhấn mạnh như một lời dạy bảo: “phải gọi Bách Cali chứ không gọi bừa Tùng Cali”. Cho đến bây giờ theo tôi biết tất cả các tự điển Anh Pháp đều dịch Juniper là Tùng. Trong nước chưa ai gọi Juniper là Bách. Những tên ta thường nghe là Ngọa Tùng, Bút Tùng, Sơn Tùng…đều chỉ một giống cây là Juniper. Không ai gọi Ngọa Bách, Bút Bách, Sơn Bách. Các nhà làm tự điển cũng dịch Pine là Thông chứ chưa có ai dịch là Tùng. Điều lạ là trong khi dẫn chứng thơ văn để bảo vệ luận cứ của mình, tác giả Trọng Tuấn lại không dám đổi chữ của cụ Nguyễn Công Trứ :

Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.

Đáng lẽ theo lý luận, tác giả phải nói “làm cây Tùng đứng ..)mới phải. Và cũng thế, nếu nay phải nói “Đồi Bách Đà Lạt, Ngồi bên bãi biển nghe tiếng Tùng reo.” thì xem ra không xuôi tai.

Tôi nghĩ ngôn ngữ là để chuyển đạt ý nghĩa cho mọi người hiểu chứ không phải để mổ xẻ trong phòng thí nghiệm. Đành rằng khám phá là cần cho sự tiến bộ nhưng không phải mọi khám phá đều hay. Cách viết chữ Việt, nhiều người đã đề ra những lối mới nhưng cho đến nay vẫn không ai theo. Vậy chúng ta cứ gọi Caifornia Juniper là Tùng Cali, như những cây cùng họ Tùng (Juniper) mà chúng ta thường thấy, thường biết.

slider-1

Sách Western Garden của nhà Sunset liệt kê trên 100 loại Juniper. Dựa theo kích thước, họ chia ra làm ba nhóm : Nhóm phủ đất (Ground Covers) nhóm bụi (Brubs) nhóm cột tháp (Columnar Types) và nhóm cây lớn(Trees)

Nhóm Juniper Ground Covers: Thân nhỏ không cao, thường bò trên mặt đất hoặc nhánh tỏa chằng chịt bện vào nhau làm thành một thảm xanh. Lọai này có đến hàng chục. Nhóm này có hai loại cũng được thường dùng để tạo những Kiểng nhỏ : Prostrata Juniper, Sergent Juniper, Shimpacu (Chinese Juniper). Tùng Shimpacu có tàn lá mịn và dày đặc dễ tạo những chậu Bonsai mini, một chậu Shimpacu cao chừng 20cm giá từ 60 đến 80 đô la. Một chậu Prostrata hay sergent Juniper cỡ 15cm giá từ 20 đến 30 Mỹ kim (nhà vườn làm sơ sài chứ không kỹ như người chơi). Một số người Đại Hàn đi bán dạo giá từ 10 Mỹ kim.

Nhóm Juniper Shrubs: Có chừng hơn 20 loại. Thân cao trung bình từ 4 đến 10feet. Thường thấy là Hollywood Juniper, trồng hai bên lối đi hay dọc lề đường.

Nhóm Juniper Columnar Types : Thân thẳng đứng dạng hình tháp, cao trung bình từ 15 đến 20 ft. Trồng ở công viên hay trong vườn.

Nhóm Juniper Trees: Nhóm này chừng mươi loại, thân cao to, thường từ 40 đến 60ft. Trong nhóm này đặc biệt có California Juniper được giới chơi Bonsai ưa chuộng.

California Juniper, là giống Juniper chỉ có ở tiểu bang California, nghĩa là 52 tiểu bang của Hoa Kỳ không nơi nào có, hoặc có nhưng không đáng kể. Tên này cũng đã được ghi vào sách thực vật của Mỹ. Do đó giới chơi Cây Kiểng ở Hoa Kỳ thường gọi cây Cali. Thời gian mới đến Mỹ tôi có dịp may, gặp một Master-Bonsai người Nhật, ông Harry Hirao, nên có cơ hội nghiên cứu ngay giống cây này. Tùng Cali sống nơi sa mạc và ở độ cao 4000ft trở lên. Lọai tùng này chịu được hạn hán và tuyết.

Từ quận Los Angeles đi về hướng đông bắc theo xa lộ 14, ra đến vùng Palmdale, Lancaster là đã thấy cây Cali mọc đầy những đồi núi chạy dọc hai bên đường. — vùng này cây chưa được già, thế đất tương đối còn thấp và thoải (3000ft) nên cây ít đẹp. Ra đến Sa mạc Mojave (cách Los chừng 140mile), vào các vùng núi bên tay trái toàn cây Cali lâu đời. Nhờ núi đá chênh vênh, nhiều cây đổ theo dáng thác, hoặc thân vặn xoắn, hoặc nằm…Có những dáng thế kỳ lạ người chơi khó hình dung được. Sau này trong dịp đi Grand Canyon (Arizona) tôi lại khám phá ra Tùng Cali mọc vô số hai bên đường FW 40. Bên bờ vực Grand Canyon có những cây Cali già hàng trăm tuổi, chỉ cao hơn thước, dáng xoắn tuyệt vời. Tôi chỉ cho người bạn:

– Ông thấy trước mắt có cái gì đẹp không?
– Cả một vùng núi và thung lũng nhưng khó chụp quá.
– Chụp làm gì, chỉ ngắm thôi.

Người bạn ảnh nhìn tôi ngạc nhiên:

– Ông đưa chúng tôi đi săn ảnh mà bảo chỉ ngắm thôi?
– Đúng thế, cái mà tôi hỏi ông, nó bên cạnh ông, nó quá đẹp, chụp sao nổi.
– Tôi chẳng hiểu ông nói gì?
– Đây này, ông ngồi xuống, (tôi vừa nói vừa chỉ cho ông bạn cây Juniper trước mặt).
– Ngồi xuống và ngắm xem, thấy đẹp không?

Người bạn làm theo và ồ một tiếng. Tôi giải tiếp:

– Đây là một Cây Kiểng tuyệt đẹp, ít ra cây cũng già mấy trăm năm. Thân vặn, phần chết xoắn theo phần sống rất đều, ít thấy. Chỉ cần đào cho vào chậu, uốn lại nhánh, xếp lại tàn là có mấy ngàn đấy.

Ông bạn ảnh nhìn tôi nghi ngờ:

– Thế à! Nhưng sao không ai làm?
– Nếu có người làm thì đâu còn cho ông và tôi ngắm.

Lâu nay một số người chơi, trong đó có tôi, cứ quyết đoán Tùng Cali chỉ có ở Cali. Chắc hẳn các nhà thực vật nghiên cứu tìm thấy giống này già nhất là những cây ở Cali chăng? Trong sách Bonsai, một tác giả người Nhật đã viết đại ý “Chúng tôi cảm ơn người Mỹ đã có một giống cây để tạo những tác phẩm Bonsai tuyệt vời mà không loại cây nào địch nổi”. Cá nhân tôi cũng thấy thế, và Tùng Cali vẫn là cây làm cho tôi mê say nhất. Làm một Cây Kiểng Tùng Cali khác xa với cách làm các thứ cây khác. Nó kích thích trí tưởng tượng, nó đòi hỏi sáng tạo về đường nét thể dáng, nó khiến mình miệt mài kiên nhẫn, nghĩa là nó xoay cho người chơi “đừ ống điếu”. Khi hoàn thành, ngắm mãi không chán. Bán đi không đành lòng. Đặc điểm của cây Cali là những cây già tuổi (không ai dùng cây non làm Bonsai), bao giờ thân cũng nửa sống nửa chết. Có cây chết đến tám phần, còn hai phần, vẫn sống mạnh. Đặc tính này giúp cho nghệ nhân dễ dàng trong việc sáng tạo. Bonsai Tùng Cali mà thiếu Jin thì hầu như không còn đúng nghĩa. Một chậu Kiểng như thế lại rất phù hợp với những cuộc đời trôi nổi, những tâm hồn phiêu lưu và hoài cổ. Một chậu Bonsai Tùng Cali còn thể hiện được ý nghĩa : Tam Thế Nhất Trụ (Quá khứ, Hiện tại, Tương lai là một).

Ngày xưa nghe nói các cụ chơi Lan, các cụ thường vuốt ve từng lá, nhất là loại Lan lá dài như Hồ Điệp, Cattlaya, Ngọc Điểm…để lan chóng lớn cho hoa đẹp…Chơi Cali không những vuốt ve rờ rẫm mà còn vỗ vỗ vào thân cây như dỗ dành, mơn trớn. Thích lắm.

Vào mùa mưa là bắt đầu đi tìm Cali. Mùa này mát trời, cây đã bắt đầu giấc đông miên. Đào cây Cali không khó lắm, chỉ những cây mọc trong chẹt đá là vất vả. Cái khó là xét đoán khả năng sống của một cây khi lôi lên khỏi mặt đất. Khâu này mà yếu thì mất rất nhiều công sức. Kế đến là vác cây xuống núi. Những cây vừa phải không nói gì, gặp cây to nặng bằng tạ gạo thì vô cùng vất vả. Có những lúc vác cây chỉ còn cách xe mươi mét mà sao thấy xa thế, tưởng chừng cả cây số. Lúc đặt được cây xuống sàn xe là tưởng như mình lên được miền cực lạc. Nhiều người bỏ cuộc hoặc chán chơi cây Cali là vậy. Đào cây nào chết cây nấy. Đào cây Cali không đơn giản như đi shopping. Kinh nghiệm cho thấy cây Cali nuôi thân theo giòng rễ riêng. Có nghĩa dù gốc nhiều rễ mà phía có cành lá chiếu dọc theo sớ xuống, không rễ thì những rễ kia cũng vô dụng không nuôi cây được. Cây Cali có “trử lượng lương thực” rất lớn nên không chết trong vòng vài ba hôm mà phải năm bảy tháng có khi kéo dài cả năm mới biết được. Đây cũng là điểm để người chơi chứng tỏ bản lãnh của mình. Phải kiên nhẫn. “Nuôi chư” Tùng Cali ít nhất phải một năm mới bắt đầu training. Đó là những cây mạnh, những cây yếu phải nuôi hai ba năm mới làm được. Tạo kiểng cây Cali không giống như làm các cây khác. Trước hết là dáng của Tùng Cali lúc nào cũng già dặn vạm vỡ do đó khâu đục đẽo làm Jin rất chăm. Kế đến là uốn cành xếp tán. Chỗ này phải hết sức kiên nhẫn và rất khéo léo mới được. Tán cây Cali thuộc loại tán thưa, trái với Shimpacu nên phải quấn giây từng cọng nhỏ như tăm, uốn nhè nhẹ. Một Cây Kiểng Cali nhiều khi có cả trăm nhánh li ti, làm một lúc là hoa mắt. Thường một cây làm xong cũng mất từ 15 đến 20 giờ (large size). Công khó như thế nên giá trị bao giờ cũng cao. Một chậu medium hoàn chỉnh trị giá vài ngàn, large size thì có khi trên chục ngàn.

Những năm trước đây tôi có dự tính lập một vườn Cali “Bách Gia Chư Tử”, chơi ngông một phát nhưng “Trời” không cho nên sau 3 năm “ngậm ngãi tìm trầm” mới được vài chục cây thì phải ngưng vì sức khỏe. Cây cối cũng như người, mỗi cây mỗi vẻ. Mỗi người thích một nét đẹp riêng. Gặp được người tâm đắc là điều hiếm thấy trên đời….Tôi giữ niềm vui riêng với những cây Tùng Cali của mình

Trần Công Nhung (trích Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng)

Nuavong Traidat

Xin cám ơn Trung-Huong-Ho , cám ơn Td Kard , cám ơn Uan-Ha và cám ơn Anh Được đã chia sẽ trong từ ngữ JUNIPER , gọi tên Tùng hay Bách , chữ nào chính xác hơn. Thành thật cám ơn.
Pine = Thông = Lá Thông như cây Kim. Tất cả loại Thông lá dài , lá ngắn đều giống như một cây kim. Dân chơi Bonsai đa số đều biết Black Pine , White Pine , Red Pine , Scotch Pine , Mugo Pine , Ponderosa Pine…v…v…
Trong thi ca , trong âm nhạc. Tác giã xưa đã sáng tác về khung cảnh trữ tình của vùng đất Cao Nguyên Trung Phần , đó là Đà-Lạt. Có những bài hát trong đó có những chữ ” Lá Thông reo vi vu…. ” ,thì chính là cây Thông , chứ không phải là cây Tùng.
Còn Juniper’s, có rất nhiều loại Juniper. Nhưng đa số hầu hết mọi người chọn : Shimpaku ; San Jose ; Prostrasta ; Sergent; Hollywood để làm Bonsai. Đã là cây tên của nó Juniper thì gọi Tùng đúng và chính xác nghĩa hơn. Còn chữ California là tiểu bang này mới có loại cây đó. Thành thử mới có tên là California Juniper. Mà cây này không phải mọc tùm lum ở đâu cũng có trong tiểu bang California. Tùy nơi có . Những nơi cây này có ở Southem Nevada ( xác biên giới California , và Northwestern Arizona ( biên giới của Calif. và ở Baja California gần biên giới Mễ – Tây – Cơ). Thường thì cây này sống trên độ cao khoảng 4.000-8.000 trở lên. Càng lên cao theo độ dốc ( Dry Slopes ) của sườn núi , gốc cây càng đẹp ,oằn oại của thân cây bị ảnh hưởng gió , nắng của xa mạc , tạo cho gốc có Dead Wood một cách tự nhiên , gốc cây nữa phần sống và nữa phần chết.
Cây California Juniper quý , giá trị và hiếm hoi. Những vườn cây không có bán loại này. Duy nhất chỉ lên núi đào hoặc người thân quen biết họ để lại cho mình chơi thôi.
Mà lên núi đào cây phải hợp pháp và hợp lệ. Có nghĩa là chủ đất họ cho phép mình bước vô mẩu đất đó mình đào. Đó mới là hợp pháp đúng luật chơi lên núi săn lùng cây. Cho nên California Juniper là một loại cây quý . Native America tree mà.
Loại cây này rất chậm phát triển , một năm nó tăng trưởng bề ngang chỉ 0.059-0.079 inch in Diameter , rất chậm lớn.
Trong cuốn sách BONSAI TECHNIQUE#2 của JOHN-Y-NAKA trang 426. Ông đã đi đào cây này năm 1954. Mình nghĩ rằng Ông JOHN-NAKA là người khám phá cây California Juniper đầu tiên trên đất Mỹ ở California này. Đối chiếu lại những cuốn Magazine BONSAI IN CALIFORNIA , những Volume đầu tiên , trong hình ảnh chỉ thấy những cây California Juniper của chủ nhân toàn là tên Nhật :KIYOKO-HÂTNAKA ;TAMAKI-MAYEDA ;HEDEO-SHIMIZU ;HARY-Y-HIRAO ;BEN-OKI ;FRANK-GOYA ;RICHARD OTA ;KATSUYA-KAMEI…V…V…
Có nghĩa là người Nhật JOHN-NAKA , họ đã khám phá ra cây này từ thập niên 50’s. Lâu lâu lắm rồi.
Tóm tắt lại , tên gọi Juniper , mình nghĩ rằng Tùng thì xác nghĩa hơn là Bách. Anh Được và các bạn có thấy JUNIPER = TÙNG , có xác nghĩa không ???

Uan Ha

Kêu nó là Bách hay Tùng không quan trọng nhưng nếu muốn truy xét về văn tự thì tại sao phải dùng tiếng Anh sang Việt mà không dùng Hán sang Việt. Ai chơi cây cũng biết bản phân chủng tộc cây cối (không phải tên người tìm ra nó “tên khoa học”), vây cây Cali là họ Hoàng Đàn “Cupressaceae” mà Hán văn gọi là họ Bách tùng, vậy thôi hãy cứ gọi là “cây Cali” đi rồi khi ai chuyên xâu thì tự họ sẽ biết nó là giòng dõi Bách tùng “Hoàng Đàn”.

Xin xem thêm
https://vi.m.wikipedia.org/wiki/Họ_Hoàng_đàn

còn tiếp …