Đất cho bonsai
12/04/2010
Như đã hứa trước đây, tôi sẽ bắt đầu khởi viết về đề tài này. Ông bà ta có câu: "nhất nắng, nhì phân, tam cần, tứ giống". Tôi không hiểu tại sao lại không thấy các cụ xếp loại Nước và Đất trong câu vè trên ::).
Trước khi viết bài, cho ACE xem loại đất mà tôi đang thử dùng cho các cây bông giấy còn trong giai đoạn phôi thai cho bonsai
3 cây này mới được chụp hôm nay. Chúng đang ra hoa
Và đây là đất mà tôi dùng: đất sét nung 100%. Loại đất sét này được nung ở nhiệt độ rất cao, cho nên rất cứng (không thể nào dùng tay để bóp vỡ nó được – khác với loại đất sét phơi khô của Nhật dùng cho bonsai, gọi là akadama, loại này có thể bóp nát bằng ngón tay). Sẽ nói rõ thêm về tính chất của từng loại sau này.
Tôi cũng có 3 chậu bông giấy khác, nhưng chúng được trồng trong đất có thành phần hữu cơ nhiều hơn, thì giờ này chưa thấy chúng ra bông. Các bạn nghĩ sao? Bonhe
Nói sơ qua về những yếu tố cần thiết cho cây cối sống và phát triển: nước, nắng, không khí, các khoáng chất và sự ổn định của bộ rễ. Cây cối không giống như các loài động vật ở chỗ nó có thể tạo ra nguồn năng lượng carbonhydrate từ nước, carbon dioxide (CO2) (từ không khí) nhờ ánh nắng (nhưng nếu cung cấp cho cây nguồn sáng với độ dài sóng như ánh nắng trời, thì cây cối cũng vui vẻ chấp nhận). Có 11 muối khoáng cần cho sức khỏe của cây gồm: nitrogen (N), phophorus (P), potassium (K), calcium, magnesium, sulfur, iron, manganese, boron, zinc, and copper. Muối khoáng hòa tan trong nước và được rễ cây hấp thụ.
Cây cối luôn luôn có xu hướng phát triển hướng lên trời và về nguồn sáng (tác dụng của auxin). Để cho cây đứng vững, nó cần có chỗ đứng vững chắc. Nếu cây mọc trong lòng đất, thì đất là chỗ dựa cho cây; còn nếu cây được trồng trong chậu, bể, thì chất trồng (growing media) sẽ là chỗ dựa. Rất là quan trọng trong việc chọn lựa chất trồng cho cây trong chậu, bởi vì:
-hệ rễ cây cũng cần phải thở như hệ lá,
-ngoài ra hệ rễ cũng cần phải có môi trường ẩm xung quanh để ngăn chúng không bị khô các rễ non (có màu trắng với lông non), cũng như cho cây không bị thiếu nước và chất khoáng.
Nghệ thuật bonsai phải bao gồm nghệ thuật giữ cho cây sống khỏe, và nghệ thuật tạo dáng. Do đó người chơi phải nắm vững kiến thức về sinh lý, bệnh lý cây trồng, cũng như các lĩnh vực liên quan đến cây cối; nói chung là phải có kiến thức tổng quát về nông nghiệp, chứ nếu không, cho dù có tạo thành phẩm đẹp, nhưng không biết cách nuôi trồng, thì cây cảnh sẽ chẳng giữ được hình dáng ban đầu, và có thể cây sẽ bị chết. cám ơn bạn đã thích chủ đề này.
Nói tóm lại, cây cần bộ rễ là vì cần: nước, các khoáng chất trong đất, sự ổn định để nó có thể chống chọi lại với thiên nhiên (gió). Bộ rễ được so sánh giống như là cái răng cái tóc, là gốc con người vậy! (răng là nguồn gốc cho sức khỏe, thì tôi hiểu được, còn nói tóc có ảnh hưởng đến sức khỏe, thì chưa hiểu được ý ông bà muốn nói gì ;))
Như vậy, muốn cho bộ rễ khỏe mạnh, thì việc chọn lựa chất trồng rất là quan trọng phải không các bạn? Ta phải chọn chất trồng sao cho nó có tính:
-Thông thoáng (giúp cho hệ rễ thở được), tức là nó phải thoát nước tốt.
-Giữ được độ ẩm cần thiết cho rễ non
-Giữ được các khoáng chất cần thiết cho cây
-Cố định cho cây vững vàng trong chậu
–độ bền : tức là nó không được phân hủy nhanh – điều này rất là quan trọng tại VN, nơi mà khí hậu nóng ẩm. Lý do: nếu chất trồng phân hủy nhanh, sẽ dẫn đến chất mùn (powder); chất mùn sẽ dễ làm tắc nghẽn các mao mạch của chất trồng —-> thoát nước sẽ không tốt nữa. Cỏn nếu không thì ta phải thay đất thường xuyên. Sụ thay đất thường xuyên có thể làm chậm sự phát triển của cây, có một số cây không chịu được việc thay chậu thường xuyên, sẽ làm suy yếu cây —> dễ mắc bệnh —> yếu hơn —> làm thành một vòng lẩn quẩn —> tử vong không thể tránh khỏi.
Khi chọn lựa chất trồng, không nên lấy đất từ những vùng có nấm bệnh hoặc là cỏ dại nhiều.
Bây giờ tôi sẽ nói về những loại chất trồng căn bản. Một số loại mà tôi nêu ở đây, có thể tại VN không có, nhưng dù sao nếu các bạn nắm được khái niệm, thì các bạn có thể tìm ra được câu trả lời cho chính mình (liệu cơm gắp mắm)
*Chất trồng có 2 loại:
– Vô cơ: chia làm 2 loại:
+ có lỗ, khoang nhỏ: đá núi lửa nghiền- màu đỏ, đen hay trắng (lava cinder or pumice). Loại này gọi là đá, nhưng nhẹ vô kể.
+ không có lỗ hoặc khoang: turface (đất sét nung cứng ở nhiệt độ cao- dùng tay không thể bóp bể được); decomposed granite, viết tắt DG (đá hoa cương bị phân hủy); sạn (thấy ở bầu diều gà ). Loại này nặng hơn loại có lỗ.
– Hữu cơ: vỏ cây xay, phân chuồng, lá mục, than gỗ xay, v.v..
Cedric
Cám ơn bài viết rất hữu ích của anh Bonhe! Em có vài thắc mắc nhờ anh tư vấn hộ. Em đang ủ 1 số hạt thông và ngày mai dự định ươm vào bầu, với giá thể như sau: đầu tiên rải 1 lớp đá nham thạch (hạt lớn khoảng 3-5mm) 30%,kế tiếp là phân bò đã xử lí 10% (loại này đóng gói bao bì an toàn), tiếp tục là đất tro trấu 50%, sau đó em đặt hạt giống đã ủ lên. Cuối cùng em rãi 1 lớp đá nham thạch loại nhuyễn như cát 10% (sau khi sàng lọc đá hạt lớn). Em nghĩ khi tưới nước, lớp cát nham thạch trên cùng có tác dụng hút nước tốt nhưng không giữ nước làm úng cây con (rút kinh nghiệm từ đợt ươm lần trước mà em đã đề cập ở chủ đề huấn luyện cây của anh).Sau đó nước sẽ thấm qua lớp hữu cơ (đất tro trấu + phân bò) giúp cây con phát triển hệ rễ. Cuối cùng lớp đá nham thạch dưới đáy sẽ giúp thoát nước và thông thoáng. Lí do em chọn đá nham thạch vì nó nhẹ ,xốp . Em xử dụng nó trong hệ thống lọc nước cho hồ cá rồng thấy rất hiệu quả, nó cũng dùng làm giá thể để trồng cây thủy sinh, nên định thử dùng cho ươm cây thông đen. Anh cho em biết ý kiến nhe!
Bonhe
Chào Cedric, ha ha, tôi rất thích khi thấy các bạn bên VN bắt đầu thích trồng thông đen. Tôi luôn mong muốn là người mình sẽ có nhiều thông đen bonsai đẹp trong tương lai. Tôi thấy thành phần chất trồng bạn định xử dụng để gieo hạt thông đen có vẻ không ổn. Lý do là thành phần hữu cơ của bạn đến 60%. Nếu là trấu không thôi, thì thoát nước tốt rồi, nhưng phân bò thì hơi ngại vì khi phân bò gặp nước, chỉ sau vài lần tưới, nó sẽ rả ra, và kết dính lại với nhau? như thế sẽ làm cản trở đường thoát nước của chậu trồng, điều này có thể làm úng nước trong chậu?
Nếu tôi là bạn, tôi sẽ xử dụng chất trồng như sau để gieo hột: cát thô lấy từ sông ngòi (80%) và trấu (20%); phải trộn chúng với nhau. Đây sẽ là chất trồng thoát nước rất tốt. Đúng là nham thạch xay nhỏ cũng thoát và giữ nước tốt, nhưng trong giai đoạn khởi đầu (gieo hạt), tôi không muốn dùng chúng vì lý do nó tốn kém quá (không biết bên VN ra sao, chứ nham thạch ở bên này không có rẻ, do đó tôi chỉ dùng chúng cho những cây gần hoàn thiện thôi ;))
Để tôi nói cho bạn nghe về cách thức mà ông người Nhật Kusida Matsuo dùng để gieo hạt thông đen (ông này là bậc thầy về huấn luyện thông đen từ hạt trên thế giới). Ông ta dùng các mảnh ván gỗ để đóng thành một cái két hình chữ nhật (giống như két bia vậy- có điều nó cao khoảng chừng 15 cm thôi, phía dưới đáy có đục nhiều lỗ nhỏ san sát nhau để thoát nước.). Sau đó, bỏ đất trồng như tôi nói ở trên vào trong két gỗ này. À, hạt thông đen bạn phải ngâm trong nước 3 ngày, hạt nào nổi lên trên mặt nước là coi như vứt đi. Sau đó, dùng que diêm thọc vào đất trồng với độ sâu gấp đôi chiều dầy của hạt thông, và cứ tạo nhiều lỗ như vậy, mỗi lỗ cách nhau chừng 2 cm. Sau đó, cho hạt thông vào lỗ này, rồi lấp mặt đất trồng lại. Sau đó, để két gỗ này vào chỗ râm đứng gió. Sau đó, tưới nước. Nhớ dùng vòi hoa sen để tưới nhằm không cho đất trồng trên bề mặt bị văng đi, lộ hạt thông ra ngoài ánh sáng (đây là một cái trick quan trọng- hạt giống sẽ khó mà nẩy mầm nếu để nó ra ngoài ánh sáng trời – vấn đề sinh lý). Mỗi ngày phải kiểm tra mặt đất trồng, khi thấy nó khô mặt, thì phải tưới ngay (không được sớm cũng như trễ). Khoảng 10-14 ngày, bạn sẽ thấy các cây con bắt đầu nhú ra khỏi mặt đất. Một tuần sau đó, sẽ thấy các lá bắt đầu mở ra 😀 (tôi thích nhất là thời điểm này). Hiện giờ cứ thế nha. Khi nào có cây con ra rồi, thì post cho tôi hay, sẽ hướng dẫn thêm.
À, tôi nghĩ là bạn nên mở một chủ đề mới cho các cây thông đen này của bạn, vì sẽ rất là hay. Lý do là bạn và các ACE khác trong DĐ có thể dễ dàng theo dõi được các tiến trình của huấn luyện thông đen từ khi còn nhỏ. Kiểu này giống như học hàm thụ vậy, nhưng rất là có ích theo ý tôi, và tôi thì sẵn sàng chia xẻ kiến thức mình có được với các bạn nào cần đến. Tôi phải công nhận rất là may mắn khi có được người thầy Nhật chuyên về thông đen truyền hết các bí kíp của ông không dấu diếm, cho nên tôi cũng muốn chia xẻ niềm may mắn này cho các bạn VN.
Đồng ý 100%. Đó là gợi ý của tôi, người sống ở vùng khí hậu khác hẳn với nơi bạn sống (ít nhất là nơi tôi ở không ẩm ướt như nơi bạn). Do đó, việc chia hạt để trồng ở những chất trồng khác nhau là điều phải làm, vì nó sẽ giúp cho bạn có được kinh nghiệm trong vấn đề này; mà tôi thấy điều này sẽ rất hữu ích cho những bạn khác đang sống tại SG, nhưng người muốn dùng cây thông đen để làm bonsai (hi vọng là bạn cũng sẽ chia xẻ kiến thức của mình cho những bạn khác trong tương lai- tôi luôn tin là Cho là Nhận- điều này kiểm nghiệm lại trong cuộc sống của tôi thấy rất là đúng). Sỡ dĩ tôi nói điều này vì biết rằng có nhiều người tại VN đang muốn trồng thông đen, nhưng không biết cách thức, nên thất bại nhiều, và một trong những nguyên do có thể là do chất trồng các bạn dùng tại VN quá giữ nước trong một môi trường ẩm ướt. Tôi nghĩ là bạn có tính tò mò, tìm tòi cái mới giống như tôi 😉 Chỉ nhắc một điều: nhớ làm nhật ký cho việc gieo hạt: ngày tháng năm? trong chất trồng nào? để chúng ở đâu (điều kiện ánh sáng, hướng vườn ,…), khi nào thì bắt đâu thấy nhú cây non, khi nào lá bung ra, …
Đá nham thạch chỉ có 5000 đ/ kg???! quá rẻ. Bên này khoảng $ 1/ kg. đá nham thạch được xem như là số một trong các loại đất trồng mà tôi xử dụng đấy.
Tôi sẽ gửi lời hỏi thăm của bạn tới Thầy tôi, nhưng ông không phải tên Kusida Matsuo 😀 . Xin lỗi tôi làm bạn hiểu lầm. Tại tôi có tài liệu về ươm thông đen của ông Kusida Matsuo nên nói cho bạn hay (dù sao, học từ tài liệu thì cũng phải coi ông ta là thầy mình là đúng rồi) Thầy của tôi tên là Ota. Ông chuyên về Thông đen, Đỗ quyên (satkusi) và Thanh liễu (tamarix). Ông được 82 cái xuân xanh rồi, nhưng vẫn rất khỏe, vẫn có thể thay chậu cho những cây bonsai lớn mà không cần người phụ!! Nhà Thầy rất gần nhà tôi, cho nên khi có chuyện muốn hỏi, chỉ việc alo cho Thầy, rồi chạy tới nhà sư phụ là xong!
Mới chụp một số hình về các loại đất trồng mà tôi đang xử dụng.
* Nhóm vô cơ:
– Loại có rất nhiều lỗ nhỏ trên mặt đá:
Đá núi lửa nghiền. Có màu đen hoặc đỏ thẫm.
Cũng là đá núi lửa nghiền, nhưng có màu trắng xanh nhạt, nhưng nhẹ hơn loại đá màu đỏ hay đen nhiều. Gọi là pumice. Có rất nhiều potassium (K).
– Loại không có lỗ trên mặt đá:
+Turface: là đất sét nung ở nhiệt độ cao, rất cứng (không thể bóp bể ra được), có tính thấm nước
+Akadama: loại đất sét phơi khô của Nhật, mềm hơn turface, có tính thấm nước rất khá. Dễ bị bóp bể.
+Đá granite bị phân hủy (decomposed granite): có thể bóp bể nhưng phải dùng lực. Rất nặng so với các loại chất ở trên.
.
* Nhóm hữu cơ:
Vỏ cây thông nghiền nhỏ
Mới hôm kia, tôi mới phát hiện có một loại nữa mà tôi sẽ mua về dùng: lá mục của cây sồi (oak leaf mulch). Loại này sẽ cho nhiều acid. Đây sẽ là phụ gia rất tốt trong trường hợp của tôi (vùng tôi ở, nước và đất mang tính kiềm rất nhiều. Hi vọng việc dùng lá mục của cây sồi sẽ làm trung tính pH ;)). (còn tiếp). Bonhe
Đặc tính của chất trồng:
– Vô cơ:
.cung cấp độ bền.
.cung cấp những khoảng trống cho: khí trời, chất dinh dưỡng và nước.
.giúp thoát nước tốt.
– Hữu cơ:
.dự trữ độ ẩm
.cung cấp chất dinh dưỡng
# Đây là bảng so sánh giữa chất trồng vô và hữu cơ:
Vô cơ Hữu cơ
Thoát nước ++++ +
Độ bền & ++++ +
Dinh dưỡng $ + ++++
Khoảng trống
trong đất ++++ +
Giữ độ ẩm + ++++
Trọng lượng * ++++ +
# So sánh giữa chất trồng vô cơ:
Có lỗ Không lỗ
Thoát nước ++++ ++++
Độ bền ++ ++++
Dinh dưỡng +++ +
Khoảng trống
trong đất ++++ +
Giữ độ ẩm ++++ +
Trọng lượng * + ++++
* khi chọn chất trồng, nên chú ý đến trọng lượng của chúng. Nếu chất trồng quá nhẹ, thì cây sẽ không đứng hoặc nằm vững trong chậu (dĩ nhiên phải dùng dây thép hay gỗ để cố định cây trong chậu). Ngoài ra, đối với người trẻ khỏe mạnh khi sang chậu hay khi di chuyển chậu, trọng lượng của chậu bonsai có thể không là vấn đề lớn, nhưng với tuổi già sức yếu, trọng lượng chậu rất là quan trọng, không khéo sẽ cụp xương sống (nói đúng ra, người trẻ khỏe mà cứ bưng bê chậu nặng hoài, thì cũng có thể bị đau lưng hay là mắc phải thoát vị bẹn ;D ).
$ Chất vô cơ cũng cung cấp những chất vi khoáng cho cây trồng.
& chất hữu cơ sẽ bị phân hủy theo thời gian. Khi đó, nó sẽ phóng thích chất dinh dưỡng cho cây. Dần dần, chất trồng hữu cơ sẽ biến thành bột (mùn) và chất bột này sẽ làm nghẽn lại các mao mạch của đất, nó sẽ chiếm chỗ các khoảng trống cần cho khí trời, và độ thoát nước sẽ chậm lại; bộ rễ sẽ bị ảnh hưởng, từ từ dẫn đến thúi rễ.
Hi vọng xem bảng so sánh trên, các bạn có thể tìm thấy chất trồng phù hợp với điều kiện khí hậu tại địa phương mình và cũng phù hợp với thời gian của mình có thể dành cho cây cối (tức là có thể tưới nước bao nhiêu lần một ngày)
*Tại sao đất trồng cần có những khoảng trống?
Khoảng trống trong đất trồng giúp thoát nước, dự trữ ẩm độ, chất dinh dưỡng và là chỗ để trao đổi khí cần cho bộ rễ.
Đất cho bonsai ở Nhật, phổ thông nhất là Akadama. Akadama có nghĩa là hạt đất sét đỏ. Đất này được đào lên ở Honshu (phía bắc của Tokyo), và nó nằm giữa lớp đất trên bề mặt và lớp cát phía dưới. Sau đó, nó được hong khô trong lò nóng. Tính pH 6.5 – 6.9. Akadama có tính thoát nước cao, mà cũng giữ một lượng nước vừa đủ cho cây, cho nên nó rất đuợc ưa chuộng cho bonsai, đặc biệt cho loại cây lá kim!. Akadama có 3 loại: mềm, cứng vừa, và cứng. Cũng có các kích cỡ khác nhau ( tùy tuổi cây và kích thước chậu mà chọn lựa cho thích hợp) (sẽ nói sau). Mặc dù nó tốt, nhưng vì giá thành nhập từ Nhật quá mắc, cho nên dân bonsai ở Mỹ đã tìm các loại đất khác có đặc tính gần giống như akadama và rẻ hơn nhiều – thí dụ như turface – cũng là loại đất sét nung, có kích thước từ 3-6mm.
Các bạn ở VN có thể tìm nguyên liệu nào mà gần giống với loại đất này? Ở VN, tôi thấy đất đỏ ở Lâm Đồng, Bảo Lộc, Ban Mê Thuột, Long khánh có thể là nguồn đất tốt cho bonsai?
Các bạn cũng nên để ý dùng thử than củi xay nhỏ xem sao. Đây cũng là một nguồn nguyên liệu quí giá cho bonsai. Than củi cũng có những khoảng trống và nhẹ, cho nên sẽ có tính thoát nước tốt, đồng thời có tài liệu nói là nó cũng giúp vi khuẩn cộng sinh của cây lá kim. Ngoài ra, nguồn nước ở nhiều vùng tại VN có tính phèn (chua, acid), nên nếu cho thêm than củi vào chất trồng thì sẽ làm cho đất ngọt hơn (tức là bớt chua hơn)
Cách chọn loại đất.
Tùy loài cây và vùng khí hậu mà chọn loại đất cho thích hợp.
Loài cây:
– Loại cây lá kim: thích loại đất thoát nước tốt.
– Loại cây thay lá hoặc nhóm cây nhiệt đới: thích loại đất có nhiều chất hữu cơ hơn.
Vùng khí hậu:
+ Vùng có khí hậu khô hạn: cần loại đất giữ nước được nhiều hơn (nếu không muốn tưới cây nhiều lần trong một ngày!)
+ Vùng có khí hậu ẩm ướt: cần loại đất thoát nước tốt.
Sau khi đã biết loại đất nào mình cần, thì lúc này sẽ quyết định dùng chất vô cơ hay hữu cơ, và kích thước của chất trồng ra làm sao.
Có người dùng 100% chất hữu cơ: phải cẩn thận ở nơi có khí hậu nóng ẩm như VN, vì như đã trình bày ở trên, chất hữu cơ không có tính thoát nước tốt, và lại phân hủy nhanh thành chất mùn, sẽ làm cho rễ bị úng nước trong một thời gian không lâu (có thể vì vậy mà tôi thấy có nhiều người đã nói rằng nuôi dưỡng cây lá kim ở VN sao khó quá). Để tránh điều này, các bạn nên dùng nhiều chất vô cơ hơn trong chất trồng, hoặc là nếu các bạn vẫn thích dùng nhiều chất hữu cơ, thì nên thay đất thường xuyên hơn; hoặc là dùng than củi xay nhỏ (không được nhỏ hơn 2 mm), hay là trấu? đây là vật liệu rẻ tại VN phải không các bạn?
Về chất vô cơ, có thể dùng 100%, có điều phải cung cấp phân bón thường xuyên cho nó. Đây là nguyên tắc mà nhiều vùng trên thế giới đã và đang xử dụng thành công trong nuôi trồng rau, hoa và quả- gọi là Hydroponics. Hydroponics lấy từ tiếng Hy Lạp: hudor là nước và ponos là công việc . Có nghĩa là chất trồng không có đất (soiless), và dùng dung dịch phân hóa học để tưới cây, với chất trồng hoàn toàn là chất vô cơ. Tôi nghĩ rằng, ở VN, đất trồng 100% vô cơ có thể là phương án tối ưu? vì tính thoát nước quá tốt của nó.
Trong khi cũng là bông giấy, nhưng thành phần đất khác, thì lại lác đác hoa. Nhân thể nói luôn, cây này gốc khổng lồ (khoảng 35cm), tôi sẽ post nó ở chủ đề khác trong tương lai
Còn cây này thì đang chuẩn bị ra hoa
Nói tóm lại, thời gian ra hoa, số lượng hoa khác nhau giữa chúng. Vì chúng có thành phần đất trồng khác nhau. Tôi sẽ làm vài thực nghiệm trong tương lai gần để kiểm chứng giả thuyết của tô
Hoặc trộn chất vô cơ với hữu cơ. Theo tôi loại này cũng rất tốt, vì nó có độ thoát nước tốt (nhưng không quá nhanh như 100% vô cơ) và có chất dinh dưỡng, đồng thời không phải thay đất thường xuyên như 100% hữu cơ.
Khi đã biết loại chất trồng cho cây nào đó, thì đến giai đoạn lựa chọn kích cỡ chất trồng.
Tùy loại chậu lớn hay nhỏ —> chọn kích cỡ của chất trồng cho thích hợp:
– nếu chậu lớn —-> dùng nhiều chất trồng với kích cỡ lớn (nếu không, nước sẽ khó thoát)
– nếu chậu nhỏ —> dùng nhiều chất trồng với kích cỡ nhỏ (nếu không, nước sẽ thoát nhanh, dẫn đến khô rễ)
Kích cỡ chất trồng:
– nhỏ: 3 – 4.9mm
– trung bình: 5-6.9 mm
– lớn: 7mm
Trên thị trường ở đây có bán 3 loại rây dùng để chọn kích cỡ cho chất trồng. Bên VN nếu không có, thì tôi nghĩ các bạn có thể tự chế.
Ngoài ra, còn phải để ý xem cây còn trong giai đoạn huấn luyện hay đã hoàn thiện thành bonsai.
– nếu cây còn trong giai đoạn cần sự phát triển bộ rễ, nên dùng chất trồng với kích cỡ lớn, để bộ rễ có thể phát triển thoải mái.
– nếu cây đã phát triển hoàn chỉnh, thì dùng chất trồng với kích cỡ nhỏ.
Khi dùng chất trồng vô cơ, tôi thường thích dùng hỗn hợp: loại có lỗ, và không lỗ, với tỉ lệ 1:1 với mục đích xử dụng đặc tính của từng loại. Dù sao, khi dùng cho chậu lớn nặng, tôi dùng loại có lỗ không thôi, hoặc trộn chúng với một ít chất hữu cơ (vỏ thông xay).
Tùy vùng khí hậu, mà tỉ lệ các chất trồng sẽ phải thay đổi cho phù hợp. Chỗ nơi tôi ở, với khí hậu khá khắc nghiệt (nóng và khô, vào mùa thu, nhiều khi cũng có những trận gió nóng – Santa Ana wind – chắc tương tự như gió Lào ở VN). Tôi nghĩ vùng tôi ở có khí hậu gần như là Phan Rang?. Đối với cây lá kim, tôi thường dùng vô cơ : hữu cơ với tỉ lệ 2:1. Với cây nhiệt đới, cây thay lá, tôi cũng dùng vô cơ : hữu cơ, nhưng tỉ lệ là 1 : 1. Dù sao, tôi cũng trồng một số cây với 100% vô cơ, Cho tới giờ này, các cây đều phát triển rất tốt.
Bây giờ đến lượt các bạn phải suy nghĩ xem xem có thể xử dụng những vật liệu nào sẵn có tại vùng các bạn ở, và áp dụng cho phù hợp.
Ở VN, tôi nghĩ là đá ong giống như đá núi lửa ở bên này. Tức là nó có nhiều lỗ nhỏ, và tương đối nhẹ. Tôi nhớ có nhiều vùng ở miền nam VN có nhiều loại đá này. Nếu muốn dùng đá tổ ong, thì xin nhớ là phải dùng đúng kích thước cho cây trồng trong chậu (tức là phải kiếm máy xay đá cho nhỏ ra).
Gạch thẻ xay nhỏ? Khi nó xay nhỏ ra, nó sẽ giống như là turface ở đây vậy, hoặc giống như là akadama loại thật cứng. Nói tóm lại, khi các bạn nắm nguyên tắc của chất trồng cho bonsai rồi, thì các bạn có thể tìm thấy nhiều vật liệu chung quanh nơi mình sống, để biến chế nó thành chất hữu dụng cho bonsai.
Tôi nghĩ là có thể chấm dứt bài viết tại đây được rồi. Hi vọng gặp lại ở những bài viết kế tiếp.
Bonhe