Thứ Sáu , 19 Tháng Tư 2024
Mới nhất

Thông Đen Nhật Bản trong tự nhiên

Tác giả hoilakim

Do T.V Hội Lá Kim  HAICHAU ( Đà Nẵng) soạn dịch

Tại Nhật Bản, Thông đen được trồng thành rừng dọc các bãi biển do tính thích nghi và sức chịu đựng cao của nó. Vậy liệu chúng ta có thể nhân giống rộng rãi giống thông này để trồng thành rừng phòng hộ ven biển nước ta như đã trồng thành công với cây phi lao (dương), đồng thời có thể tạo một nguồn nguyên liệu quí và dồi dào cho bonsai?

Black Pine

Black Pine

Dọc theo các bờ biển và triền núi thấp của Nhật Bản mọc lên một giống thông khỏe và đẹp đó là giống Pinus thunbergii. Một loại cây biểu tượng cho Nhật Bản và được biết đến như là một giống cây đẹp dành cho nhà vườn, nguyên liệu cho bonsai và cũng là cây phòng hộ được trồng suốt dọc theo các bờ biển của Nhật. Được thế giới biết đến với tên thường gọi là Thông Đen Nhật Bản, đây là một loại cây dễ thích nghi và có sức đề kháng tốt . Tuy nhiên bên cạnh vẻ đẹp và hình dạng cơ bản, cây thông đen Nhật bản trồng trong vườn sẽ không giống cây thông đen trồng ven biển.

Hàng ngàn cây thông đen được trồng từ hạt là hình ảnh quen thuộc dọc theo các bãi biển Nhật Bản



Pinus thunbergii là cây có quả nón chiều cao có thể đạt đến 40m trong điều kiện phát triển thuận lợi, nhưng thường có kích thước thấp hơn, đặc biệt là khi mọc ở các bãi cát ven biển, là môi trường thường gặp của giống cây này. Đặc biệt có cây có thể đạt đến chiều cao 66m ở tại các khu đền thờ Nhật bản. Các cây già thường có tán lá rộng và đỉnh cây nhọn, vỏ cây thường có ánh đen và có vết nứt sâu.
Lá thông thuộc loại lá kim xanh quanh năm có hai lá mọc từ bó lá, có màu xanh đậm và có thể dài đến 12cm. Cây thông khỏe mạnh thường có tán lá dày và rậm rạp , đặc biệt ở các cây thông non. Nón phấn hoa thường xuất hiện vào đầu xuân, có hình nón thon dài và có màu vàng cam

DSC_0039

Một cây thông đen Nhật nuôi trồng từ Hạt tại Việt Nam

Giống thông này mọc rộng khắp ở các bãi biển ấm của Nhật như Honshu, Shikoku và quần đảo Kyushu. Cây cũng được tìm thấy ở Hàn Quốc. Cây thường mọc ven biển sau các đụn cát trải dài hàng kilomet tạo nên như cả một tán rừng. Tiến sâu trong nội địa thì cây thường mọc trên những mỏm đá hoặc trên những đỉnh núi cao trên 1000m, thỉnh thoảng cây còn được tìm thấy ở các vùng núi đá khô cằn.
Người ta còn tìm thấy loại giống cây lai giữa cây thông đen với cây thông đỏ Nhật bản có tên Pinus densiflora, hoặc còn gọi là akakuromatsu – thông đỏ-đen, tên Latin : P. x densi-thunbergii.

DSC_0696

Cành chồi 1 cây Pinus densiflora tại Việt Nam – kakuromatsu – thông đỏ-đen

Thông đen mọc trên các đụn cát ven biển có hình dạng đặc biệt do sự chống chọi với gió biển.



Đây là giống thông nổi tiếng thường được trồng ở các vùng khí hậu ôn hòa. Trước đây giống thông này được sử dụng làm vật liệu xây dựng, nhưng hiện nay do bị tàn phá nhiều nên không còn sử dụng với mục đích đó nữa. Ở Hàn Quốc chúng còn được dùng trong việc xây dựng các điện thờ.

Nón thông Pinus thunbergii – nón đực tạo phấn hoa bên trái và nón cái tạo hạt chưa trưởng thành bên phải.

Cây có đặc điểm đặc biệt là chịu đựng được với điều kiện sống khắc nghiệt như gió lạnh, sương muối, hạn hán và đất khô cằn ít dinh dưỡng. Cả hàng thế kỷ qua, cây thông đen Nhật bản đã được tạo tác thành các tác phẩm bonsai và không chỉ riêng tại Nhật mà giống thông này còn được trồng nhiều nơi trên thế giới. Giống này cũng là loại cây được trồng phổ biến trong các vườn cảnh và được cắt tỉa với kích thước lớn hơn kích thước của cây bonsai. Do đặt tính tự nhiên của cây là có lá xanh quanh năm, nên cần thiết phải cắt tỉa hàng năm cho các cây được trồng trong vườn để hạn chế sự phát triển quá mức của cây , và để đảm bảo sự phát triển cân đối giữa thân và nhánh. Vẻ đẹp của các cây thông được cắt tỉa thật khó miêu tả thành lời.

Những cánh rừng thông đen ven biển có vai trò quan trọng trong việc chống lại sự xâm thực và nó cũng là vùng đệm để chống lại gió lớn , triều cường và ngay cả giông bão thường tàn phá tại các bãi biển này vào mùa hè và đầu thu. Ở các vùng núi đá ven biển cây thường mọc thành những lùm cây thấp trên gò đất cao hoặc những nghành đá – nơi có sự thoát nước tốt, đôi khi cây còn được tìm thấy ở những vùng hầu như chỉ toàn đá sỏi . Những cây mọc tại các vùng này tốc độ phát triển rất chậm và chiều cao thường không quá vài mét và chúng có một số nét tương đồng với giống thông Pinus rigida tại Bắc Hoa kỳ.
Thời gian gần đây, những cánh rừng thông đen này bị tấn công bởi loại sâu bệnh Bắc Mỹ , Bursaphelenchus xylophilus, cũng như là loại nấm xanh ( thường là chủng Ophiostoma minus). Thêm vào đó là sự tấn công của loại bọ cánh cứng sống quanh thân cây, gây nên vấn đề khó khăn cho việc bảo vệ cây tại các vùng bản địa này. Hiện nay các nhà khoa học đã lai tạo được các giống thông đen mới có sức đề kháng cao với sâu bệnh và đã được trồng thử nghiệm nhiều nơi tại Nhật. Hàng ngàn cây thông đen được gieo từ hạt được trồng ven các bãi biển Nhật là cảnh quan thường gặp. Nếu như các nổ lực này thành công thì vài năm sau nữa sẽ hình thành các cánh rừng thông đen đầy quyến rũ chạy dọc ven biển.

Nón thông cho hạt Pinus thunbergii trưởng thành nở vào mùa thu và đầu đông.



Về việc định danh loài thông thunbergii, là được đặt theo tên của nhà thực vật học cũng là bác sĩ người Thụy Điển- Carl Peter Thunberg (1743-1828), người đã may mắn được phép ghé thăm Nhật Bản vào triều đại Edo (1603-1868). Trong thời gian này ông đã mô tả nhiều giống cây của Nhật (cùng với nhiều giống cây được di thực từ Trung hoa và đã định danh nhầm là cây xuất xứ từ Nhật) được biết đến như là “Phân loại thực vật học Nhật Bản” dựa trên sự sáng tạo của ông theo thuật ngữ thực vật học theo tiếng Latin, bảng phân loại này vẫn còn được áp dụng cho đến ngày nay. Một điều lý thú nữa là ông đã giới thiệu phương pháp mới để điều trị bệnh giang mai trong khi viếng thăm cố đô Edo (Tokyo ngày nay) và đã rất nổi tiếng vào thời đó. Tên Nhật bản của P. thunbergiikuromatsu trong đó từ kuro nghĩa là đen và matsu nghĩa là thông và được diễn giải một cách dễ hiểu là “thông đen” trong tiếng Anh.


Một cây thông đen đẹp được cắt tỉa thành hình dạng thấp tại lâu đài Matsuyama, thành phố Matsuyama, Shikoku, Nhật Bản.

Mặc dù thông đen thuộc loại cây dẻo dai, nhưng nó có một số vẫn đề cần được quan tâm bên cạnh các bệnh thường gặp đã được đề cập trên. Trước tiên một điều thách thức đến sự phát triển của cây đó là rễ cây này không chịu được sự ngập úng. Cây sẽ chỉ phát triển ở nơi đất thoát nước tốt và có tính acid. Cũng giống như các loại thông khác, giống cây này cần ánh nắng toàn phần. Một ưu điểm của giống cây này là sự chiu đựng được biên độ nhiệt độ rộng từ nắng cực độ vào mùa hè và nhiệt độ khô lạnh, ngay cả sương muối vào mùa đông. Và cũng như sức chịu đựng cao đối với không khí bị ô nhiễm.
Cây có thể phát triển được ở nhiệt độ khắc nghiệt lạnh từ -6 đến -17 độ C (USDA zone 7-8), cây có thể phát triển tốt từ nhiệt độ rất cao vào mùa hè và dưới -10 độ C vào mùa đông. Giống thông lai tự nhiên của thông đen với P. densiflora, P. densi-thunbergii, được xem là một giống tốt và được trồng nhiều tại các nhà vườn Nhật Bản.
Thông đen P. thunbergii là một loài cây quả nón nổi tiếng và được ngưởng mộ trên khắp thế giới. Loài cây biểu tượng này được yêu thích vì nhiều lý do , trong đó có cả vẻ đẹp và sự déo dai của nó. Đó cũng là lý do để chúng được trồng thành rừng ven biển và được trồng trong các nhà vườn ở khắp mọi nơi.


Thỉnh thoảng Pinus thunbergii có thể được tìm thấy trên các ngành đá trơ trọi , tạo nên các bụi cây thấp nhỏ nằm ở độ cao 1000m so với mực nước biển tại vùng Sefuriyama, Fukuoka Prefecture, Kyushu, Nhật bản.

Nguồn : Pinus thunbergii, the Japanese black pine tree

Hạt giống thông đen Nhật